Những biện pháp để cải thiện tầm nhìn cho tài xế vào ban đêm
1. Giảm ánh sáng cụm đồng hồ và hệ thống thông tin giải trí
Trong điều kiện ánh sáng yếu, mắt của bạn thường nhạy cảm hơn với nguồn ánh sáng mạnh hơn. Các nguồn sáng từ bảng đồng hồ và hệ thống thông tin giải trí có thể làm bạn xao nhãng hoặc bị lóa mắt. Điều này khiến tài xế có thể bị mất tập trung.
Bên cạnh đó, những người đeo kính cũng thường bị chói mắt khi quan sát ở góc lệch, việc này sẽ dẫn đến một số điểm bị chói trong tầm nhìn. Bởi vậy, tài xế nên giảm độ sáng của các hệ thống trên để có thể tập trung quan sát đường đi.
2. Không nhìn "chằm chằm" vào các đèn pha đi ngược chiều
Cũng như việc nhìn thẳng vào mặt trời, việc nhìn thẳng vào đèn pha đang chiếu tới không chỉ gây hại cho mắt mà còn khiến mắt không thể nhìn rõ đoạn đường phía trước. Đặc biệt là trên con đường không có đèn chiếu sáng xung quanh, việc nhìn thẳng vào đèn pha của xe khác sẽ làm căng mắt và mất tập trung.
3. Điều chỉnh gương chiếu hậu cho phù hợp
Ánh sáng từ đèn pha của xe phía sau phản xạ qua gương, chiếu thẳng vào mắt tài xế. Chói mắt là một trong những nguyên nhân lớn gây mất tập trung vào ban đêm. Ánh sáng cường độ mạnh làm mắt mất khả năng quan sát, thậm chí hiện tượng này còn kéo dài tiếp tục trong vài giây sau khi nguồn sáng biến mất. Khoảng thời gian tích tắc đó đủ để những điều tồi tệ nhất xảy ra.
Người lái cũng cần điều chỉnh gương chiếu hậu để bao quát tầm nhìn đồng thời không bị chói do ánh đèn phản chiếu từ các xe khác. Với gương chiếu hậu hai bên, tùy vào tầm vóc, góc quan sát, người lái nên điều chỉnh sao cho có thể nhìn thấy góc bên trái, phải phía sau xe.
Với gương chiếu hậu bên trong của xe, nếu các xe đi phía sau đi gần và bật đèn pha làm phản chiếu qua gương gây chói mắt, tài xế nên gạt nhỏ lẫy nhỏ phía sau gương để gương chuyển sang chế độ chống chói.
4. Làm sạch các bề mặt kính
Người lái cũng nên chú ý đến việc làm sạch của hệ thống kính chắn gió trước, sau cũng như kính cửa sổ hai bên để đảm bảo tầm quan sát khi lái xe ban đêm. Khi rửa kính, tài xế cũng nên sử dụng các loại nước chuyên dụng và không để lại những vệt lau kính trên bề mặt.
Bật công tắc cần gạt nước, khi hệ thống này hoạt động nếu phát hiện tình trạng gạt nước gạt không sạch trên không gian nhìn của người lái, nên vệ sinh lưỡi gạt. Không nên sử dụng các chất tẩy rửa như bột giặt để vệ sinh cần gạt bởi có thể gây biến chất lưỡi gạt cao su. Sau khi cọ rửa xong nếu vẫn thấy các vệt trên kính thì tài xế nên thay cần gạt.
5. Kiểm tra hệ thống đèn chiếu sáng
Trước khi di chuyển mỗi chuyến đi dài, tài xế nên kiểm xe kỹ trước khi di chuyển. Đèn chiếu sáng được coi là thiết bị quan sát thiết yếu trong đêm cũng như khi di chuyển trong điều kiện thời tiết bất lợi.
Những sự cố như cháy bóng đèn, đèn mờ hay lệch góc sáng... luôn khiến người lái gặp khó khăn khi điều khiển ô tô vào ban đêm. Vì vậy, trước mỗi chuyến đi, lái xe nên dành thời gian kiểm tra hoạt động của hệ thống đèn chiếu sáng.
Do vậy, tài xế nên chuẩn bị sẵn trong xe bóng đèn dự phòng cũng như dụng cụ tháo mở để thay thế, phòng trường hợp đèn bất ngờ bị cháy khi đang lưu thông. Với những xe không hỗ trợ chức năng tự động điều chỉnh góc chiếu của đèn pha, người lái nên chú ý cân chỉnh lại góc chiếu của đèn để đảm bảo tầm quan sát.
Ngoài ra, nên đạp phanh và nhờ người hỗ trợ quan sát để kiểm tra hoạt động của hệ thống đèn phanh. Nếu phát hiện hư hỏng hay một trong các đèn phanh không phát sáng, nên mang xe đến gara để thay thế. Bởi nếu đèn phanh không hoạt động, rất dễ dẫn đến va chạm từ phía sau khi lái xe ban đêm.