Cách nộp phạt vi phạm giao thông không cần đến Kho bạc
1. Nộp phạt tại chỗ cho Cảnh sát giao thông
Đây là hình thức nộp phạt đơn giản và thuận tiện nhất với người vi phạm. Tuy nhiên, hình thức này chỉ áp dụng đối với trường hợp người vi phạm giao thông bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức (theo khoản 1 Điều 56 và khoản 1 Điều 57 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012).
2. Chuyển khoản cho Kho bạc Nhà nước
Kho bạc Nhà nước là địa điểm nộp phạt phổ biến nhất đối với người vi phạm giao thông. Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 Nghị định 81/2013/NĐ-CP, cá nhân, tổ chức vi phạm có thể nộp trực tiếp hoặc chuyển khoản vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt.
Như vậy, thay vì phải đến tận Kho bạc để nộp phạt, người dân có thể tìm thông tin về số tài khoản của Kho bạc và chuyển khoản một cách dễ dàng, nhanh chóng.
3. Nộp phạt tại ngân hàng thương mại
Để tạo thuận tiện cho người dân, hiện có một số ngân hàng thương mại được Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu tiền phạt. Theo điểm a khoản 1 Điều 10 Nghị định 81, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể nộp trực tiếp tại Kho bạc nhà nước hoặc ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu tiền phạt.
Các ngân hàng thương mại được Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu được viết trong biên bản xử phạt, trong đó có thể kể tên một số ngân hàng như: Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank và MB…
4. Nộp phạt tại bưu điện
Đây là hình thức nộp phạt mới so với các hình thức nêu trên. Cụ thể, tại Nghị quyết 10/NQ-CP năm 2016, Chính phủ mới chính thức cho phép “thực hiện dịch vụ thu, nộp hộ tiền phạt vi phạm hành chính và chuyển phát giấy tờ tạm giữ cho người bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên phạm vi toàn quốc qua hệ thống bưu điện”.
Kể từ thời điểm tháng 02/2016, người vi phạm giao thông được nộp phạt qua hệ thống bưu điện trên cả nước.