Cảnh sát giao thông không được đuổi theo người vi phạm giao thông?
1. CSGT có được đuổi theo người vi phạm giao thông?
Theo Điều 87 Luật Giao thông đường bộ, CSGT đường bộ thực hiện việc tuần tra, kiểm soát để kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ; xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ đối với người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ… Như vậy, CSGT chính là một cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ.
Về quyền hạn của cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, khoản 3 Điều 5 Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định rõ:Được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; tạm giữ giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe và giấy tờ khác có liên quan đến phương tiện, người điều khiển phương tiện hoặc những người trên phương tiện khi có hành vi vi phạm pháp luật, giấy tờ liên quan đến hoạt động vận tải để bảo đảm cho việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Mặt khác, mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật (điểm a khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính).
Như vậy, quan điểm CSGT không được đuổi theo người vi phạm giao thông là không có căn cứ pháp luật.
Tuy vậy, việc dừng phương tiện của CSGT phải bảo đảm các yêu cầu sau:
An toàn, đúng quy định của pháp luật;
Không làm cản trở đến hoạt động giao thông;
Khi đã dừng phương tiện phải thực hiện việc kiểm soát, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
2. CSGT truy đuổi người vi phạm dẫn đến tai nạn nghiêm trọng thì có bị xử lý?
Mặc dù pháp luật không có quy định cấm CSGT truy đuổi người vi phạm nhưng cũng không có quy định nào cho phép CSGT đuổi theo người vi phạm mà chỉ quy định một cách chung chung là được phép áp dụng biện pháp ngăn chặn.
Trên thực tế, có nhiều biện pháp có thể thực hiện để ngăn chặn hành vi vi phạm như: thông báo để các chốt tuần tra của CSGT phía trước yêu cầu phương tiện vi phạm dừng lại; ghi biển số phương tiện; dùng điện thoại chụp hình, quay phim hành vi vi phạm để sau đó phạt nguội người vi phạm…
Vì thế, nếu CSGT truy đuổi người vi phạm mà không bảo đảm an toàn cho người vi phạm, cho các phương tiện lưu thông trên đường… gây ra hậu quả nghiêm trọng thì tùy tính chất, mức độ của hành vi và tình huống khi đó mà CSGT có thể bị xử lý.
CSGT có thể phải bồi thường thiệt hại với những thiệt hại do hành vi của mình gây nên và thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134 Bộ luật Hình sự), Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 138)
Tham khảo: Khi nào được miễn, giảm tiền nộp phạt vi phạm hành chính?