Thông tin giao thông, lộ trình di chuyển cập nhật mới nhất| Lộ trình xanh

Có được quay phim, chụp hình cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ không?

Ngày 22/04/2021, đăng bởi Quản trị viên, 235 lượt xem

Trong trường hợp người dân cố ý quay phim, chụp ảnh, ghi hình, cắt dán, chỉnh sửa, đưa ra các thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc hoặc tuyên truyền, phát tán trên mạng xã hội nhằm vu khống, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người khác hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thì sẽ bị xử lý theo Luật An ninh mạng.

1. Các hình thức giám sát của người dân đối với CSGT.

Thông tư 67/2019/TT-BCA đã liệt kê cụ thể 05 hình thức giám sát của nhân dân đối với lực lượng Công an nhân dân (CAND) trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại Điều 11 gồm:

“1- Thông qua các thông tin công khai của CAND và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng.

2 – Thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật.
3 – Thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sỹ.

4 – Thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

5 – Thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp nhưng phải đảm bảo một số điều kiện nhất định.”
Trong đó, nhân dân được quyền giám sát hoạt động của lực lượng CAND trong việc thi hành quy định pháp luật trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và việc chấp hành quy tắc ứng xử của cán bộ, chiến sỹ khi làm nhiệm vụ (căn cứ Điều 10 Thông tư 67/2019/TT-BCA).

Có được quay phim, chụp hình cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ không?

Chính vì vậy, người dân hoàn toàn có thể sử dụng các hình thức khác nhau thuộc 05 hình thức kể trên để giám sát hoạt động của CSGT làm nhiệm vụ.

2. Có được quay phim, chụp ảnh CSGT đang làm nhiệm vụ?

Việc chụp ảnh hay quay phim cần đảm bảo các điều kiện được ghi nhận tại khoản 5 Điều 11 Thông tư 67/2019:

“a) Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sỹ khi đang thực thi nhiệm vụ;

b) Ngoài khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông);
c) Tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.”

Trong đó, Điều 4 Thông tư này đã giải thích về khu vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông là nơi được giới hạn bằng cọc tiêu hình chóp nón hoặc dây căng để cán bộ, chiến sỹ thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và an ninh, trật tự. Dây căng là dây có nền màu đỏ và có in dòng chữ “KHU VỰC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG” màu vàng.
Như vậy, người dân được quyền quay phim, chụp ảnh CSGT nhưng không được làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của họ trong khu vực cho phép và phải tuân thủ các quy định của pháp luật.