Đi lên vỉa hè khi tắc đường bị phạt bao nhiêu?
Rất nhiều trường hợp đi xe lên vỉa hè, nhất là vào giờ cao điểm tắc đường ở Hà Nội. Hành vi này có vi phạm Luật Giao thông đường bộ không? Và mức phạt là bao nhiêu?
1. Phải đi đúng làn được theo quy định.
Khoản 1 Điều 9 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định, người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định.
Theo giải thích tại Điều 3, phần đường xe chạy là phần của đường bộ được sử dụng cho phương tiện giao thông qua lại. Làn đường là một phần của phần đường xe chạy được chia theo chiều dọc của đường, có bề rộng đủ cho xe chạy an toàn.
Khoản 2 Mục II Phần 1 Thông tư 04/2008 của Bộ Xây dựng đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 16/2009 định nghĩa hè (hay vỉa hè, hè phố) là bộ phận của đường đô thị, phục vụ chủ yếu cho người đi bộ và kết hợp là nơi bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị dọc tuyến.
Do đó, việc đi xe lên vỉa hè trong hoàn cảnh nào cũng trái quy định của pháp luật hiện hành.
2. Đi xe lên vỉa hè bị phạt bao nhiêu?
Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định về mức xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ. Cụ thể:
- Điểm g khoản 4 quy định mức phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng với hành vi điều khiển xe máy không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường, làn đường quy định hoặc điều khiển xe đi trên hè phố (trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà).
- Điểm c khoản 12 còn quy định, người đi trên vỉa hè mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng.
Hãy chú ý tham gia an toàn giao thông cho mình và cho mọi người nhé.