Dùng GPLX ôtô giả bị xử phạt thế nào?
Trường hợp tài xế không biết đây là bằng lái giả thì theo Điều 21 Nghị định 46, phạt tiền từ 4-6 triệu đồng đối với người điều khiển môtô, ôtô, máy kéo và các loại xe tương tự ôtô mà không có GPLX hoặc sử dụng giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, GPLX bị tẩy xóa. Đồng thời, người vi phạm sẽ bị tịch thu GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp hay GPLX có dấu hiệu bị tẩy xóa, làm giả.
Bên cạnh đó, trong trường hợp tài xế cố ý làm giả hoặc sử dụng GPLX giả để xuất trình với CSGT sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của tổ chức, theo Điều 341 Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, tài xế tiếp tục bị phạt hành chính với số tiền từ 30-100 triệu đồng, bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.
Đặc biệt, nếu người phạm tội có tổ chức, phạm tội 2 lần trở lên, làm giả từ 2 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 5 con dấu, thu lợi bất chính từ 10 triệu đến dưới 50 triệu đồng sẽ bị phạt tù từ 2-5 năm.
Hơn nữa, trường hợp người phạm tội làm giả 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên, có nhiều tình tiết nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nguy hiểm, thu lợi bất chính trên 50 triệu đồng sẽ bị phạt tù từ 3-7 năm.
Số trường hợp bị phát hiện mua bán, sử dụng GPLX giả rất ít so với thực tế. Nếu người dân còn có nhu cầu, cộng với lợi nhuận cao, việc các đối tượng làm giả GPLX sẽ còn tiếp diễn.
Đáng chú ý là việc người điều khiển phương tiện sử dụng GPLX giả, không được học các kỹ năng cơ bản về điều khiển phương tiện là một trong những nhóm nguy cơ cao gây tai nạn giao thông. Mặc dù theo quy định của pháp luật, nếu bị phát hiện sử dụng GPLX giả, người vi phạm trong vòng 5 năm không được đăng ký học và cấp GPLX. Nhưng thời gian qua, rất ít trường hợp bị phát hiện và xử lý”.