Thông tin giao thông, lộ trình di chuyển cập nhật mới nhất| Lộ trình xanh

Hội Gióng - Lễ hội tưởng nhớ vị anh hùng đánh thắng giặc Ân

Ngày 18/02/2023, đăng bởi Quản trị viên, 108 lượt xem

Hội Gióng với những nét văn hóa tâm linh độc đáo, ấn tượng, mang đậm “màu sắc” phong phú, nghiêm trang của đất Kinh Bắc xưa luôn khiến du khách tò mò, tìm hiểu. Cùng Lộ Trình Xanh tham gia tour du lịch văn hóa này để xem liệu lễ hội Gióng có độc đáo, hấp dẫn và đáng trải nghiệm không nhé!

Hội Gióng - Lễ hội tưởng nhớ vị anh hùng đánh thắng giặc Ân

Nguồn gốc của Hội Gióng

Truyền thuyết về cậu bé Gióng kỳ lạ đánh tan giặc Ân rồi cưỡi ngựa bay về trời đã không còn lạ lẫm với người dân Việt Nam. Về sau, Gióng được thần thánh hóa thành một trong Tứ bất tử trong dân gian Việt Nam. Và Hội Gióng ra đời như một sự tưởng nhớ vị anh hùng đánh thắng giặc Ân này. 

Trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, đến ngày nay, lễ hội đền Gióng vẫn là một trong những lễ hội lớn nhất ở vùng châu thổ Bắc Bộ. Đặc biệt, lễ hội này vẫn mang đậm “màu sắc” phong phú, nghiêm trang của đất Kinh Bắc xưa, khiến người tham gia hội không khỏi tự hào trong bầu không khí “đậm đặc” nét văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Thời gian - Địa điểm diễn ra Hội Gióng

Hội Gióng là một lễ hội truyền thống hàng năm được tổ chức ở nhiều địa phương, nhưng tiêu biểu nhất là Hội Gióng ở đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm - nơi Thánh Gióng được sinh ra và Hội Gióng ở đền Sóc ở xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn (nay thuộc Hà Nội) - nơi Thánh Gióng cưỡi ngựa bay về trời. Được biết, tháng 11/2020, cả 2 Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc đều đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Hội Gióng - Lễ hội tưởng nhớ vị anh hùng đánh thắng giặc Ân

Hai lễ hội đền Gióng này được diễn ra thường niên vào 2 khoảng thời gian khác nhau; cụ thể: Hội Gióng Phù Đổng diễn ra từ ngày 7 đến ngày 9 tháng 4 Âm lịch hàng năm và Hội Gióng ở đền Sóc sẽ được tổ chức từ ngày 6 đến ngày 8 tháng giêng.

Các hoạt động chính của Hội Gióng

Các hoạt động tại Hội Gióng khá đa dạng mang đậm nét văn hóa truyền thống của Việt Nam. Dưới đây là các hoạt động chính của Hội Gióng được diễn ra tại đền Phù Đổng và đền Sóc: 

Hội Gióng ở đền Phù Đổng

Chính hội sẽ diễn ra vào ngày 9 tháng 4, đây là thời điểm mà Hội Gióng trang trọng, linh thiêng và náo nhiệt nhất. Vào ngày này, dân làng sẽ tổ chức các nghi thức tế Thánh, lễ rước nước lau rửa tự khí từ giếng đền Mẫu (đền Hạ) lên đền Thượng, lễ khám đường, lễ duyệt tướng,… Mỗi lễ như vậy sẽ mang những ý nghĩa hết sức tốt đẹp, chẳng hạn: lễ rước nước lau rửa tự khí từ giếng đền Mẫu (đền Hạ) lên đền Thượng với mong muốn được mưa thuận, gió hòa. 

Hội Gióng - Lễ hội tưởng nhớ vị anh hùng đánh thắng giặc Ân

Hoạt động được nhiều người chờ đón nhất phải kể đến 2 trận đánh: đánh cờ ở Đống Đàm (khu đất ven hồ sen đầu làng Đổng Viên, cách đền Thượng chừng 2 km) và đánh cờ ở Soi Bia. Để làm nên những trận đánh cờ hoành tráng thì công tác chuẩn bị cũng thực sự khiến chúng ta bất ngờ về độ công phu. Người ta sẽ tiến hành lựa chọn người đảm nhiệm những vai quan trọng như: các vai Ông Hiệu (Hiệu cờ, Hiệu trống, Hiệu chiêng, Hiệu Trung quân, Hiệu Tiểu cổ), cô Tướng, phường Áo đen, phường Áo đỏ,… Đối với những người được giao vai, phải sinh hoạt kiêng cữ một cách nghiêm túc vài tháng trước ngày Lễ hội diễn ra. 

Hội Gióng - Lễ hội tưởng nhớ vị anh hùng đánh thắng giặc Ân

Chiến trường diễn ra 2 trận đánh này nằm trên 03 chiếc chiếu, mỗi chiếu sẽ được đặt 01 chiếc bát to úp trên 01 tờ giấy trắng tượng trưng cho hình ảnh núi đồi trên mây trời. Xung quanh “núi đồi” là đội quân của Gióng còn phía bên kia sẽ được sắp xếp 28 nữ tướng giặc biểu tượng cho yếu tố âm. 

Sau khi thực hiện xong lễ tế Thánh, ông Hiệu sẽ thực hiện động tác “đánh cờ” và nhảy qua từng “núi đồi” trên từng chiếc chiếu. Lúc này tiếng reo hò, tiếng chiêng, trống sẽ vang lên thể hiện sự hào hùng, quyết liệt của trận đánh. Yêu cầu đặt ra đối với điệu múa cờ của ông Hiệu là phải thật dứt khoát và chính xác, đặc biệt không được để lá cờ bị cuốn vào cán vì đây được xem là điềm xui rủi. 

Kết thúc bài múa cờ, chiếc chiếu sẽ được tung lên cao để dân làng ào vào cướp. Và theo quan niệm, những mảnh chiếu cướp được này sẽ mang đến sự may mắn và tài lộc cho gia đình trong năm đó. 

Hội Gióng - Lễ hội tưởng nhớ vị anh hùng đánh thắng giặc Ân

Cuối cùng là 2 lễ: lễ rước cờ báo tin thắng trận và lễ khao quân. 2 lễ này diễn ra, bạn sẽ được đắm mình trong bầu không khí vui vẻ, được thưởng thức những lời ca điệu múa của phường Ải Lao, chiếu chèo và còn được tham gia các trò chơi dân gian vui nhộn. Lúc này, quân giặc bị bắt cũng sẽ được tha bổng để tham dự khao quân. Hành động này mang ý nghĩa nhân văn tốt đẹp, thể hiện truyền thống hiếu nghĩa, nhân đạo của dân tộc Việt Nam.

Hội Gióng ở đền Sóc

Hội Gióng ở đền Sóc được tổ chức từ ngày mùng 6 đến mùng 8 tháng giêng hằng năm. Nhiều tuần trước khi lễ hội diễn ra, dân làng sẽ tiến hành chuẩn bị các vật lễ tế, trong đó công phu nhất phải kể đến đan voi (biểu tượng đàn voi chở lương thực của đoàn quân Gióng) và làm giò hoa tre (gậy tre của Thánh Gióng sau khi đánh giặc).

Hội Gióng - Lễ hội tưởng nhớ vị anh hùng đánh thắng giặc Ân

Hội Gióng ở đền Sóc sẽ diễn ra khá nhiều nghi thức. Trong đó, lễ rước sẽ được phân công cụ thể cho từng thôn, trong đó: thôn Vệ Linh rước giò hoa tre, thôn Dược Thượng rước voi, thôn Đan Tảo rước trầu cau, thôn Đức Hậu rước ngà voi, thôn Yên Sào rước cỏ voi, thôn Yên Tàng rước tướng và thôn Xuân Dục rước "Cầu Húc" (biểu tượng mặt trời theo tín ngưỡng thờ thần mặt trời của dân làng Sóc Sơn). 

Tiếp đến là nghi thức tắm tượng Thánh Gióng và cung tiến lễ vật. Nghi thức này được diễn ra trong bầu không khí linh thiêng, trang trọng.

Và nghi thức náo nhiệt được mong chờ nhất tại lễ hội Thánh Gióng ở đền Sóc chính là tục "cướp hoa tre" và tục chém "tướng" (giặc). Theo đó, người ta tin rằng cướp được hoa tre sẽ mang đến nhiều điềm may mắn, tốt đẹp trong năm. Còn tục chém “tướng” sẽ được diễn xướng bằng màn hiệu lệnh múa cờ hoành tráng. 

Hội Gióng - nét đẹp văn hóa tín ngưỡng nên được bảo tồn và phát huy

Hội Gióng - Lễ hội tưởng nhớ vị anh hùng đánh thắng giặc Ân

Hội Gióng không đơn thuần là lễ hội thông thường mà nó còn là nét đẹp văn hóa tín ngưỡng được truyền thừa đến ngày hôm nay. Đây là dịp để người dân được tham gia các trò chơi dân gian, được hòa mình vào các hoạt động văn hóa dân tộc, được tận mắt cảm nhận được hào khí của một dân tộc anh hùng, và đặc biệt, cũng là dịp để con cháu đời sau tưởng nhớ, biết ơn các vị anh hùng góp công xây dựng bờ cõi, phát huy được truyền thống “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Vì thế, lễ hội Gióng nên được bảo tồn và truyền thừa đến các thế hệ mai sau.

Lễ hội Gióng là nét văn hóa tín ngưỡng độc đáo của dân tộc Việt Nam. Và tin chắc rằng, với những thông tin hữu ích mà Lộ Trình Xanh chia sẻ, chúng tôi lần nữa khẳng định Hội Gióng là lễ hội đáng được trải nghiệm, vì thế, nếu có cơ hội, bạn đừng bỏ lỡ nhé!