Lễ hội Gò Tháp – Đồng Tháp thu hút khách du lịch
Lễ hội Gò Tháp là một trong những lễ hội nổi tiếng ở Nam Bộ được tổ chức hàng năm. Lễ hội thu hút hàng ngàn du khách đến tham dự. Nơi đây được xem là trung tâm tâm linh của người dân địa phương và có giá trị lịch sử, văn hóa rất lớn. Lễ hội Gò Tháp không chỉ là dịp để người dân tôn vinh những di sản văn hóa truyền thống mà còn là nơi gắn kết cộng đồng. Bài viết này Lộ Trình Xanh sẽ giới thiệu về lễ hội Gò Tháp, nét đặc trưng của lễ hội và những hoạt động thường được tổ chức trong dịp lễ hội. Mời Quý bạn đọc theo dõi!
Nguồn gốc của lễ hội Gò Tháp
Trong cuộc kháng chiến thực dân Pháp xâm lược vào những năm 1864-1866, khởi nghĩa của Thiên hộ Võ Duy Dương ở Đồng Tháp Mười nổi lên - là ngọn cờ đầu trong cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước của nhân dân Nam Bộ.
Đại bản doanh Gò Tháp chính là một điểm sáng trong bức tranh lịch sử chống thực dân Pháp lúc bấy giờ. Thiên hộ Dương (Võ Duy Dương) và Đốc binh Kiều (Nguyễn Tấn Kiều) đã chèo lái, cùng nhân dân Đồng Tháp Mười nêu cao tinh thần đấu tranh, quyết tâm giữ nước; tiếp nối tinh thần chống giặc ngoại xâm của Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định.
Để tỏ lòng tôn kính và biết ơn công lao to lớn của hai vị anh hùng đối với dân tộc, nhân dân vùng Gò Tháp đã lập đền thờ để tưởng nhớ. Từ đây, tín ngưỡng thờ hai vị anh hùng dân tộc Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều ở Gò Tháp đã lan tỏa khắp trong nhân dân không chỉ tại Gò Tháp mà cả vùng Đồng Tháp Mười.
Dần dà, hình thành nên lễ hội Gò Tháp, lễ hội này trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa và xã hội của cư dân vùng này. Ngày nay, lễ hội Gò Tháp tưởng niệm hai vị anh hùng Võ Duy DƯơng và Nguyễn Tấn Kiều có sức lan tỏa mạnh mẽ, ngày càng được nhiều người biết đến. Khách du lịch trong và ngoài nước cũng đổ về để tham gia vào những ngày diễn ra lễ hội.
Thời gian và địa điểm tổ chức lễ hội Gò Tháp
Lễ hội Gò Tháp được tổ chức hai lần vào tháng 3 và tháng 11 âm lịch hàng năm. Trong đó, từ ngày 14 đến rạng sáng ngày 16 tháng 3 âm lịch là lễ hội nhằm tưởng niệm Bà Chúa Xứ - người đã có công khai phá, tạo dựng và phát triển vùng đất Gò Tháp. Còn ngày 14 đến rạng sáng 16 tháng 11 âm lịch là ngày tưởng niệm hai vị anh hùng dân tộc Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều.
Địa điểm thường được chọn để tổ chức lễ hội tại khu di tích Gò Tháp nằm trên địa phận xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp; cách thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười khoảng 11km về phía Bắc.
Được biết, khu di tích Gò Tháp chứa đựng nhiều giá trị văn hóa - lịch sử của dân tộc. Tiêu biểu với 5 di tích gồm: Gò Tháp Mười; Tháp Cổ Tự; Đền thờ Thiên hộ Võ Duy Dương và cụ Đốc Binh Kiều, mộ cụ Đốc Binh Kiều; gò Minh Sư và miếu Bà Chúa Xứ. Vào năm 2012, cả nhân dân Đồng Tháp rất vinh dự và tự hào khi Khu di tích Gò Tháp được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng vào Danh sách Di tích quốc gia đặc biệt.
Ý nghĩa của lễ hội Gò Tháp
Lễ hội Gò Tháp mang ý nghĩa rất sâu sắc, có thể đáp ứng được nhu cầu tâm linh của mọi tầng lớp. Đây cũng là điểm sáng cho du lịch văn hóa tín ngưỡng. Lễ hội được coi là hoạt động văn hóa tổng hợp, đan xen và hòa lẫn nhau. Đó là sự kết hợp giữa vật chất và tinh thần, giữa tín ngưỡng và văn hóa. Nó còn dung hòa giữa cái thiêng liêng và cái đời thường, giữa nét cổ xưa và đương đại…
Không chỉ dừng lại ở đó! Lễ hội Gò Tháp còn mang đậm tính chất dân gian và in dấu ấn của một thời mở cõi. Đồng thời phản ánh những khát vọng và mong ước của nhân dân Đồng Tháp Mười về một cuộc sống bình an, vui vẻ và hạnh phúc.
Các nghi thức trong lễ hội Gò Tháp
Điểm chung của các lễ hội thường gồm hai phần là phần lễ và phần hội. Và lễ hội Gò Tháp cũng không ngoại lệ! Cả hai phần đều diễn ra rất sôi nổi với sự góp mặt của đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương.
Phần lễ của lễ hội Gò Tháp
Bên cạnh các lễ cúng chính như: cúng Bà Chúa Xứ, cúng Thiên hộ Dương, Đốc binh Kiều; lễ hội Gò Tháp còn có một số lễ phụ khác như: cúng Thần nông, lễ cầu an, lễ thỉnh sinh…
Nội dung và nghi thức thực hiện của mỗi lễ không giống nhau nhưng có nét chung đó là đều có bài văn tế do các bô lão chánh bái vừa đọc vừa diễn. Kèm theo đó là các tiết mục lễ nghi phụ họa như: dàn nhạc lễ réo rắt, dâng trà, rượu, hương…
Nội dung chính của bài văn tế sẽ ca ngợi công đức của các bậc tiền nhân; đồng thời cầu khẩn đất trời cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa và mùa màng bội thu mang lại cuộc sống bình an, ấm no cho mọi nhà.
Phần hội của lễ hội Gò Tháp
Nếu phần lễ diễn ra trang trọng, nghiêm trang thì phần hội sẽ khuấy động bầu không khí trở nên vui tươi, rộn ràng hơn hẳn. Với nhiều tiết mục vui chơi giải trí như múa hát, trò chơi dân gian, đấu võ, hát bội… người dân và du khách tham gia sẽ cảm thấy tinh thần khoan khoái hơn, hòa mình vào không khí nhộn nhịp, vui tươi của lễ hội.
Ngoài tham gia các hoạt động kể trên, du khách tham gia lễ hội Gò Tháp còn được ăn cơm chay miễn phí trong nhà chùa. Các nhà hảo tâm đã đóng góp cho chùa hàng tấn gạo, rau củ quả. Bạn cũng có thể mua được nhiều đặc sản của địa phương về làm quà cho gia đình, bạn bè tại lễ hội.
Ngày nay lễ hội Gò Tháp được nâng tầm quy mô, đổi mới về nội dung và hình thức nhằm giáo dục thế hệ trẻ tiếp nối cha ông về truyền thống yêu nước cũng như tinh thần chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Lễ hội cùng là nơi chia sẻ, đồng hành gắn kết người với người xích lại gần nhau hơn. Nếu có dịp ghé thăm Đồng Tháp vào những ngày giữa tháng 3 hoặc tháng 11 âm lịch thì du khách hãy nán lại vài ngày để có cơ hội trải nghiệm lễ hội độc đáo của địa phương này nhé.