Rộn ràng lễ hội Cầu Ngư của người dân vùng biển miền Trung
Cứ độ giữa tháng Giêng âm lịch, hàng trăm hàng ngàn người bao gồm ngư dân vùng biển và khách du lịch lại đổ về tham dự lễ hội Cầu Ngư được tổ chức linh đình tại các tỉnh ven biển miền Trung. Lễ hội không chỉ thể hiện lòng biết ơn của ngư dân với những vị thần đã luôn bảo vệ, phù hộ cho họ một năm bình an, no ấm mà còn tạo nên nét văn hóa dân gian đặc sắc. Sau đây Lộ Trình Xanh mời Quý bạn đọc tìm hiểu rõ hơn về lễ Cầu Ngư của người dân miền biển.
Nguồn gốc lễ hội Cầu Ngư
Lễ hội Cầu Ngư bắt nguồn từ tục thờ Ông Nam Hải - là một trong những vị thần biển được người dân Nam Trung Bộ thờ phụng.
Được biết, ông Nam Hải là cách gọi loài cá voi một cách trang nghiêm. Vì người dân biển rất coi trọng cá voi, đặt loài cá này như vua biển cả bởi thân hình to lớn nhưng bản tính hiền lành, thường cứu giúp ngư dân khi gặp nạn trên biển.
Do đó, bất cứ dân làng chài nào thấy cá voi chết trôi dạt vào bờ biển đều tổ chức tang lễ long trọng để thể hiện sự biết ơn; đồng thời cầu nguyện Ông Nam Hải sẽ phù hộ cho làng được bình an và no ấm. Từ đó hình thành tục lệ tế lễ hàng năm cho loài cá này, đến ngày nay được gọi là lễ hội Cầu Ngư.
Lễ hội Cầu Ngư diễn ra khi nào?
Dường như hầu hết các tỉnh ven biển miền Trung hàng năm đều tổ chức lễ hội Cầu Ngư. Nhưng mỗi địa phương tổ chức vào những thời điểm khác nhau, có thể kéo dài từ tháng Giêng cho đến tháng 3 âm lịch. Trong đó, rằm tháng Giêng là ngày được tổ chức nghi lễ Cầu Ngư nhiều nhất.
Ý nghĩa của lễ hội Cầu Ngư miền Trung
Như đã đề cập, lễ hội Cầu Ngư là ngày rất quan trọng với người dân miền biển. Họ tin rằng, những vị Thần biển khơi vẫn luôn đồng hành và đưa họ đến sự ấm no, hạnh phúc. Toàn bộ tiến trình của lễ hội là sự biết ơn, sự trân trọng, đó là tất cả tấm lòng mà người dân dành cho thiên nhiên.
Song song đó, lễ hội Cầu Ngư miền Trung còn thể hiện bản sắc nghệ thuật truyền thống của người dân Trung Bộ. Họ tin vào những giá trị tốt đẹp, biết uống nước nhớ nguồn và tôn trọng những giá trị mang tính văn hóa truyền thống.
Các nghi thức trong lễ hội Cầu Ngư
Lễ hội Cầu Ngư miền Trung thông thường gồm phần lễ và phần hội:
Phần lễ
Với phần lễ gồm lễ rước và lễ tế truyền thống:
Lễ rước kiệu của Nam Hải Tướng quân xuống thuyền rồng ra biển. Dọc theo đường rước, ngư dân sẽ bày lễ vật trang trọng để nghênh đón với khói nhang nghi ngút. Không chỉ thuyền rồng rước thủy tướng, hội Cầu Ngư còn có hàng trăm ghe lớn nhỏ được trang hoàng lộng lẫy, cờ hoa rực rỡ tháp tùng ra biển nghênh Ông.
Trước mũi ghe là hương án và mâm lễ vật và trên các ghe chở hàng ngàn khách và bà con tham dự đoàn rước. Đoàn rước quay về nơi xuất phát, rước Ông về lăng Ông Thủy tướng và cũng tại bến một đoàn múa lân, sư tử, rồng đã đợi sẵn để đón Ông trở về lăng.
Sau lễ rước là đến lễ tế diễn ra rất trang trọng với nghi thức cổ truyền. Và các lễ cầu an, xây chầu đại bội, hát bội diễn ra tại lăng Ông Thủy tướng.
Phần hội
Trước thời điểm lễ hội các tàu đánh cá của ngư dân được trang trí lộng lẫy cờ hoa neo đậu dưới bến sông. Với phần hội gồm các nghi thức rước Ông ra biển với hàng trăm ghe tàu lớn nhỏ cùng các lễ cúng trang trọng. Suốt những ngày diễn ra lễ hội, ở tại nhà các ngư dân mời thỉnh lẫn nhau. Khách từ nơi xa đến cũng cùng tham gia ăn uống, vui chơi, trò chuyện. Đây chính là một lễ hội đậm đà và mang bản sắc thuần phong mỹ tục sâu sắc đáng được lưu giữ đến muôn đời sau.
Một số hình ảnh lễ hội Cầu Ngư miền Trung
Lễ hội Cầu Ngư là một phần tạo nên văn hóa dân gian và bản sắc riêng biệt của ngư dân vùng biển miền Trung. Hòa mình vào bầu không khí vui nhộn, chứng kiến tinh thần đoàn kết và tình yêu dành cho quê hương đất nước của ngư dân trong lễ hội sẽ giúp bạn tiếp thu được nhiều điều hay và bổ ích.