Thông tin giao thông, lộ trình di chuyển cập nhật mới nhất| Lộ trình xanh

Sôi nổi lễ hội đua bò Bảy Núi ở An Giang

Ngày 23/02/2023, đăng bởi Quản trị viên, 160 lượt xem

Lễ hội đua bò Bảy Núi của đồng bào dân tộc Khmer là sự kiện được diễn ra thường niên tạo nên dấu ấn du lịch đặc sắc của tỉnh An Giang. Lễ hội này vừa mang đậm bản sắc văn hóa dân gian độc đáo của vùng Bảy Núi vừa có “hơi thở” truyền thống của đồng bằng Nam Bộ. Với những nét đặc sắc như vậy, hãy cùng Lộ Trình Xanh tìm hiểu thêm về lễ hội này nhé! 

Sôi nổi lễ hội đua bò Bảy Núi ở An Giang

Nguồn gốc lễ hội

Được biết, lễ hội đua bò có nguồn gốc từ thời xa xưa. Thuở ấy, cứ vào mùa cấy, những người nông dân Khmer từ các phum, sóc dẫn bò đến các chùa Khmer để “bừa công quả”. Trong quá trình làm việc, họ thúc bò “bừa đua” xem đôi bò của ai nhanh và khỏe hơn. 

Thấy vậy, các sư, sãi của nhà chùa đã đứng ra tổ chức lễ hội đua bò và treo thưởng cho đôi bò nào cày nhanh, cày giỏi và chạy nhanh nhất. Đôi bò đạt giải sẽ được nhận phần thưởng là dây “Cà tha” (lục lạc đeo cổ bò). Và đôi bò này sẽ tiếp tục cày phần đất của chùa vào năm sau.

Cứ như vậy, lễ hội đua bò Bảy Núi ra đời và trở thành một lễ hội văn hóa hấp dẫn ở vùng Bảy Núi, An Giang, thu hút hàng nghìn lượt du khách khắp nơi tham dự hàng năm. 

Thời gian - Địa điểm tổ chức lễ hội

Lễ hội đua bò Bảy Núi An Giang được tổ chức mỗi năm 1 lần và thường được tổ chức trong lễ Sene Dolta (lễ cúng ông bà) diễn ra từ ngày 29/8 đến ngày 01/9 âm lịch hàng năm. Thời điểm tổ chức này được xem là phù hợp bởi lúc này các phật tử Khmer có thể tề tựu đông đủ để hòa vào bầu không khí sôi nổi, vui tươi của lễ hội đua bò.   

Từ năm 2015 tỉnh An Giang thực hiện chủ trương đưa lễ hội đua bò Bảy Núi An Giang về cộng đồng người Khmer. Từ đó về sau, địa điểm tổ chức lễ hội được tổ chức luân phiên giữa 2 huyện: Tịnh Biên và Tri Tôn. Đồng thời, để các nét đẹp văn hóa truyền thống của lễ hội đua bò Bảy Núi ở An Giang được bảo tồn, toàn bộ các khâu tổ chức, điều hành, trao thưởng… đều sẽ do cộng động người Khmer quyết định.

Công tác tổ chức lễ hội đua bò Bảy Núi An Giang

Công tác chuẩn bị

Trước khi hội đua bò Bảy Núi được tổ chức, ban tổ chức sẽ chọn một khoảng ruộng bằng phẳng có kích thước dài, rộng tương ứng 200x100m có nước xăm xắp, có bờ bao quanh, có đoạn đường trống ở điểm đích để bò có điểm dừng an toàn. Sau đó, người ta sẽ liên tục "trục" xới nhằm tạo độ trơn cho bùn.

Sôi nổi lễ hội đua bò Bảy Núi ở An Giang

Đoạn đường đua chính sẽ dài khoảng 120m, điểm xuất phát và điểm đích đều được cắm 2 cây cờ màu xanh, đỏ cách nhau 5m. 

Đối với việc lựa chọn đôi bò thi đấu, thứ tự thi đấu, thông thường người ta sẽ áp dụng hình thức bốc thăm.

Sôi nổi lễ hội đua bò Bảy Núi ở An Giang

Công tác tổ chức

Ngày diễn ra lễ hội, từ sáng sớm bà con đã có mặt đông đủ, xếp hàng đến vài cây số. Họ còn chuẩn bị cả cả xoong, nồi, mắm, muối nấu ăn tại chỗ để có thể chứng kiến trọn vẹn cuộc đua. 

Sôi nổi lễ hội đua bò Bảy Núi ở An Giang

Mỗi lượt đua có 2 đôi bò thi đấu theo hình thức loại trực tiếp. Theo đó, từng đôi bò sẽ được ách vào một chiếc bừa có gọng bừa gồm một tấm gỗ kích thước 30x90 cm, bên dưới là răng bừa. Chủ bò sẽ chuẩn bị 1 roi mây hoặc khúc gỗ xà-lul tròn, đầu được tra đinh nhọn, dài khoảng 3m.

Sau khi trọng tài có hiệu lệnh xuất phát, chủ bò sẽ dùng cây xà-lul chích mạnh, đều vào mông của hai con bò. Bò đau sẽ phóng nhanh về phía trước, đẩy nhanh tốc độ về đích.

Sôi nổi lễ hội đua bò Bảy Núi ở An Giang

Đôi bò dành chiến thắng là đôi bò về đích trước hoặc về sau nhưng chân trước của chúng đạp lên bừa của đôi bò đi trước. Cặp bò dành chiến thắng sẽ tiếp tục vào vòng trong và thi đấu với các cặp bò giành chiến thắng khác cho đến khi có cặp chiến thắng cuối cùng ở trận chung kết.

Ý nghĩa của lễ hội đua bò Bảy Núi

Lễ hội đua bò Bảy Núi ở An Giang có ý nghĩa vô cùng đặc biệt đối với người đồng bào Khmer vùng Bảy Núi. Theo quan niệm của người Khmer, đôi bò giành được giải cao chính là niềm kiêu hãnh cho chủ nhân, cho phum, sóc; nó sẽ mang đến cho phum, sóc niềm vui, sự may mắn và nhiều thắng lợi trên các lĩnh vực, đặc biệt, việc gieo trồng sẽ thuận lợi, dễ dàng và bội thu.

Vậy nên, bò giành được giải cao trong năm sẽ chủ nhân chăm sóc kỹ và cho tiếp tục tham gia vào mùa giải sau. Chính vì những giá trị văn hóa mà lễ hội mang lại, năm 2016, lễ hội đua bò Bảy Núi An Giang được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Sôi nổi lễ hội đua bò Bảy Núi ở An Giang

Lễ hội đua bò Bảy Núi ở An Giang không chỉ mang nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer vùng Bảy Núi, mà nó còn là sân chơi hấp dẫn, mang đến những giây phút vui vẻ cho người nông dân Khmer các phum, sóc sau khoảng thời gian cày cuốc vất vả. Nếu có cơ hội, bạn hãy một lần trải nghiệm không khí sôi nổi của lễ hội này nhé!