Tìm hiểu lễ hội chùa Dâu ở Bắc Ninh - Nét đẹp văn hóa tín ngưỡng Việt Nam
“Dù ai buôn bán trăm nghề - Tháng Tư ngày Tám thì về hội Dâu”. Đây là một câu thơ được lưu truyền trong dân gian về Lễ hội Chùa Dâu - nét đẹp văn hóa tín ngưỡng và là niềm tự hào với người dân Bắc Ninh. Để hiểu hơn về lễ hội văn hóa tâm linh vô cùng độc đáo này, mời các bạn cùng Lộ Trình Xanh tìm hiểu ngay sau đây!
Lễ hội chùa Dâu tổ chức ở đâu? Diễn ra khi nào?
Lễ hội chùa Dâu được tổ chức vào ngày 8/4 âm lịch hàng năm với quy mô rộng lớn tại 3 xã là Thanh Khương, Trí Quả, Hà Mãn, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh (là 3 xã thuộc Vùng Dâu xưa). Lễ hội được diễn ra trong phạm vi năm ngôi chùa lớn thờ là chùa Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện và lấy chùa Dâu nơi thờ bà Phật Mẫu Man Nương làm trung tâm.
Sự tích về Lễ hội chùa Dâu - Bắc Ninh
Chùa Dâu - Bắc Ninh là ngôi chùa cổ đầu tiên hình thành từ rất sớm tại Việt Nam. Chùa được xây dựng trên một khu đất rộng ven sông ở xứ Kinh Bắc xưa (Nay là xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).
Tương truyền rằng, ở người làng Mãn Xã (nay là huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) có nàng Man Nương một lòng theo học đạo Phật. Một ngày kia, khi nàng ngủ thiếp đi bên bậu cửa thì nhà sư Khâu Đà La có bước ngang qua. Không ngờ sau đó “Nhân thiên hợp khí” nàng đã mang thai và về nhà cha mẹ đẻ để sinh con.
Ngày 8/4 âm lịch, nàng hạ sinh đứa bé gái trong sắc trời mây ngũ sắc, hào quang chiếu sáng. Thấy con gái “không chồng mà chửa”, bố mẹ sai Man Nương đem trả con cho nhà sư Khâu Đà La. Nhà sư bế đứa bé đến một gốc cây dung thụ trong chùa, gõ vào cây và niệm chú thì bỗng cây tách ra làm đôi. Nhà sư đặt bé gái trong gốc cây và cây tự nhiên kép lại như cũ.
Một đêm nọ, trời mưa gió rất to, gốc cây dung thụ bị đổ xuống và trôi theo dòng sông Dâu. Lúc này, thái thú Sĩ Nhiếp được thần nhân báo mộng xin được tạc tượng. Khi tỉnh dậy, ông đã sai binh lính với cây lên nhưng không nổi và phải nhờ đến bà Man Nương đưa dải yếm lôi lại thì mới vớt cây lên được.
Sau đó, thái thú Sĩ Nhiếp cho người tạc cây thành bốn pho tượng có tên là: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện tượng trưng cho Mây, Mưa, Sấm, Chớp. Bốn bức tượng lần lượt được đặt ở Chùa Dâu, Chùa Đậu, Chùa Dàn, Chùa Tướng. Hàng năm, cứ vào ngày 8/4 âm lịch, người dân trên khắp cả nước lại nô nức về Bắc Ninh dự lễ hội chùa Dâu.
Các hoạt động chính của lễ hội chùa Dâu ở Bắc Ninh
Vào ngày 8 - 9/4 Âm lịch, tại năm ngôi chùa lớn thờ Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện và chùa Dâu thờ bà Phật Mẫu Man Nương tổ chức lễ hội chùa Dâu với nhiều hoạt động sôi nổi. Lễ hội gồm có lễ rước lớn, đám rước 4 tượng về tụ hội tại chùa Dâu để bái vọng mẹ. Bên cạnh đó, người dân còn tổ chức rước “Phật Thạch Quang”, rước “tuần nhiễu”…
Thông thường, một đám rước sẽ được chuẩn bị long trọng với ngựa thờ, tàn lọng, cờ quạt, kiệu bát cống,... Sau khi thực hiện xong nghi lễ rước tượng, người dân sẽ thực hiện dâng hương và rước tượng lần lượt về các chùa. Trong lúc diễn ra lễ rước sẽ có các trò như: Múa gậy, múa sư tử, cướp nước, đấu vật, cờ người, đốt cây bông, “mẹ đuổi con”.
Trò chơi nổi bật nhất phải kể đến chính là “mẹ đuổi con”. Ở trò chơi này sẽ có 4 kiệu là: Bà Dâu, bà Đậu, bà Tướng, bà Dàn, mỗi kiệu sẽ được rước 03 vòng rồi trở về chỗ cũ.
Trò chơi “cướp nước” cũng rất được mong chờ với cuộc thi của 3 kiệu là: Kiệu bà Sấm, bà Đậu, bà Mưa đua nhau rước chạy ra tam quan. Kiệu rước bà nào đến trước sẽ được nước và thắng trò chơi đó.
Cũng tại lễ hội chùa Dâu ở Bắc Ninh, 12 làng tại các xã sẽ mang đội múa rồng đến để tham gia lễ tắm tượng Phật chùa Dâu long trọng và hoành tráng.
Ngoài ra, tại lễ hội cũng diễn ra nhiều hoạt động khác như: Nghe hát Quan họ trên thuyền, trống quân, hát ca trù, múa rối nước,... Đây được xem là dịp quảng bá văn hóa của Bắc Ninh đến du khách vô cùng hiệu quả.
Lễ hội chùa Dâu - Nét đẹp văn hóa tín ngưỡng Việt Nam
Lễ hội chùa Dâu là một trong những lễ hội lớn để người dân tìm về với nét tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Tại lễ hội có diễn ra nhiều hoạt động với thể hiện lòng biết ơn với thần linh, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Đây là cơ hội để người dân có thể hòa mình vào các hoạt động văn hóa dân gian đặc trưng, tiêu biểu và thể nét đặc trưng riêng của Bắc Ninh.
Lễ hội chùa Dâu có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của người dân Việt Nam nói chung và Bắc Ninh nói riêng. Đây chính là cơ hội để người dân lưu giữ, chuyển giao cho thế hệ mai sau về những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.