Trải nghiệm lễ hội Chùa Thầy - Điểm đến của du lịch văn hóa tâm linh
Du lịch tâm linh những năm gần đây rất được du khách ưa chuộng. Hàng năm có rất nhiều lễ hội được tổ chức tại các ngôi chùa, điển hình như lễ hội Chùa Thầy. Không chỉ các Phật tử mà rất nhiều du khách thập phương cũng về đây chiêm bái và thưởng ngoạn cảnh đẹp. Sau đây Lộ Trình Xanh sẽ cùng các bạn tìm hiểu kỹ hơn về lễ hội này.
Giới thiệu về Chùa Thầy
Chùa Thầy còn có tên gọi khác là chùa Thiên Phúc Tự thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 20km về phía Tây. Chùa được xây dựng thời nhà Lý - là di sản văn hóa quý của Việt Nam. Năm 2015, ngôi chùa này được công nhận là di tích Quốc gia với nét đẹp cổ kính được người dân xứ Đoài rất tự hào.
Quần thể kiến trúc chùa Thầy gồm: Chùa Hạ, chùa Thượng, chùa Trung, gác Chuông, gác Trống, chùa Một Mái, chùa Cao, chùa Long Đẩu, đền Quán Thánh, đền Thượng, đền Văn Xương… Các công trình đều tọa lạc trên đất thiêng gọi là “hàm rồng” được thiết kế theo lối kiến trúc độc đáo với nghệ thuật chạm khắc và hệ thống tượng pháp tiêu biểu. Sân trước chùa là lưỡi rồng thè ra uống nước và hai cầu Nhật - Nguyệt được ví như hai râu rồng. Bên cạnh đó còn có nhà thủy đình trên hồ Long Trì như là “viên ngọc” nhà rồng vờn.
Điểm nhấn ấn tượng của chùa Thầy nằm ở ba tòa thượng của chùa Cả là Tiền Đường - Điện Phật - Điện Thánh xếp hình chữ “Tam” nằm song song nhau. Chùa Thầy còn có hệ thống tượng pháp phong phú như bộ tượng Di Đà Tam, tượng Thánh Từ Đạo Hạnh…
Ngôi chùa nổi tiếng này còn lưu giữ nhiều bảo vật quốc gia vừa có giá trị nghệ thuật tạo hình vừa có giá trị trừu tượng Phật Giáo như bệ đá hoa sen Phật thời Lý, bệ đá hoa sen hai tầng “Bách hoa đài” thời Trần, chiếc khám thời Mạc, bệ tượng Lý Thần Tông, nhang án, tượng phỗng…
Lễ hội Chùa Thầy tổ chức ở đâu? Diễn ra khi nào?
Lễ hội Chùa Thầy được tổ chức tại chùa Thầy thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội. Lễ hội Chùa Thầy là sự kiện rất quan trọng với người dân huyện Quốc Oai, được diễn ra từ ngày mùng 3 đến ngày mùng 7 tháng 3 âm lịch hằng năm. Không chỉ có sự tham gia của đông đảo người dân địa phương, lễ hội này còn thu hút nhiều du khách thập phương đến chiêm bái cũng như khám phá nét văn hóa độc đáo tại lễ hội.
Ý nghĩa lễ hội Chùa Thầy
Chùa Thầy là ngôi chùa gắn liền với cuộc đời của pháp sư Từ Đạo Hạnh. Ông vừa là Tăng, là Phật, vừa là Vua và được nhân dân đặt là ông tổ của nghề múa rối nước. Ông có công chữa bệnh và dạy học cho dân trong làng.
Với người dân xung quanh xứ Đoài, từ già đến trẻ dường như đều biết về sự tích của thiền sư Từ Đạo Hạnh, cảm phục cho tài năng và đức độ của ông. Vì thế, cứ hằng năm người ta lại đến lễ hội Chùa Thầy để hành hương, cầu sức khỏe, cầu tình duyên, cầu may mắn, tiền tài đồng thời thưởng ngoạn cảnh vật tuyệt nơi đây.
Các nghi thức trong lễ hội Chùa Thầy
Trong lễ hội Chùa Thầy hằng năm đều tổ chức theo nghi thức gồm phần lễ và phần hội với nhiều hoạt động đặc sắc.
Phần lễ gồm:
Lễ Mộc dục
Lễ Mộc dục còn được gọi là lễ tắm tượng được diễn ra vào sáng mùng 5. Khám thờ Đức Thánh Tổ Thiền Sư Từ Đạo Hạnh được mở ra để các cụ cao niên mặc trang phục chỉnh tề bao sái, vệ sinh và thay áo cho ngài.
Lễ phụng nghênh bài vị và cúng An vị
Đây là lễ rước bài vị Đức Thánh Từ Đạo từ tòa điện Thánh xuống tòa chùa Trung để đức Thánh được chứng kiến những nghi lễ diễn ra trong lễ hội Chùa Thầy. Bắt đầu nghi lễ là bài đọc kinh trong làn hương khói nghi ngút. Sau khi đọc kinh thì nhà sư và các bô lão tiến hành tắm tượng thành. Tượng được lau rửa sạch sẽ bằng nước thơm và thay áo mới. Bài vị của Thánh được khiêng đi cẩn thận, dọc lối đi xuống là hàng bô lão đeo tràng hạt, cầm phướn, bài vị được rước yên vị ở tòa chùa Trung.
Lễ tế và lễ rước
Ngày 7 tháng 3 chính là ngày lễ chính thức của lễ hội Chùa Thầy được gọi là đại tế. Trong ngày này 4 thông trong làng ra yết kiến chùa Thầy, đi đầu đám rước là các vải cầm phướn, cụ công đi hộ lệ; sau cùng là cờ ngũ phương, chấp kích, chiêng, trống. Kiệu của 4 làng tụ họp trước sân chùa làm lễ cúng, bắt đầu từ chùa Thầy ra gò Thiêng.
Các thôn rước lễ vào quán để các nhà sư trông coi và làm lễ Thánh. Đức Thánh sẽ được thay từ áo vàng thành áo cà sa nhà Phật. Ý nghĩa của màn thay áo này là để tái hiện lại quá trình tu luyện của Đức Thánh Từ ban đầu là tu tiên sau đó đắc đạo thành Phật.
Đám rước Đức Thánh Từ đi đến địa phận nào thì nơi đó sẽ làm lễ đón kiệu của Thánh để chúc mừng và cầu mong được Thánh ban phước lành cho dân làng.
Phần hội
Nếu phần lễ lễ hội Chùa Thầy diễn ra long trọng và nghiêm trang thì phần hội sôi nổi, vui tươi hơn với nhiều trò chơi dân gian như đấu vật, đá cầu, bịt mắt đập niêu… Và tiêu biểu nhất là hội múa rối. Thiền sư Từ Đạo Hạnh là ông tổ của nghệ thuật múa rối nước nên phần hội của lễ hội Chùa Thầy không thể nào thiếu bộ môn này.
Trong ngày hội nhà Thủy Đình sẽ được trang hoàng rực rỡ những tấm vải in trang trí long, ly, quy, phụng. Hội múa rối nước được tổ chức ở Thủy Đình; những hình ảnh làng quê, sinh hoạt đời thường của người dân được thu nhỏ chỉ trên mặt nước.
Các tiết mục múa rối nước được các nghệ nhân trình diễn khéo léo, kết hợp nhẹ nhàng giữa tiếng nhạc cùng lời hát tạo nên sức hút với người xem.
Ngoài ra, khi đến lễ hội Chùa Thầy các Phật tử và du khách còn được thưởng ngoạn cảnh núi rừng hoang sơ và huyền bí. Du khách có thể leo núi ngắm nhìn cảnh vật hoặc tham quan những hang động ở đây.
Kinh nghiệm tham dự lễ hội Chùa Thầy
Lễ hội Chùa Thầy hằng năm thu hút rất nhiều Phật từ và du khách thập phương đổ về chiêm bái và thưởng ngoạn phong cảnh. Nếu bạn có dự định đến đây hành hương, cầu khấn thì quả là điều tuyệt vời. Sau đây Lộ Trình Xanh xin chia sẻ một số kinh nghiệm tham gia lễ hội để chuyến đi của bạn suôn sẻ và trọn vẹn hơn.
- Chùa là chốn linh thiêng, không chỉ chùa Thầy mà bất cứ chùa nào khi đến đây bạn cũng nên ăn mặc gọn gàng, lịch sự, kín đáo; đặc biệt không mặc trang phục hở hang, bó sát cơ thể.
- Đoạn đường lên chùa bạn phải đi bộ khá nhiều nên hãy chuẩn bị cho mình đôi giày thể thao êm chân và độ bám tốt để tránh trơn trượt.
- Nên chuẩn bị lễ vật ở nhà trước để tiết kiệm thời gian và chi phí.
- Đem theo ít đồ ăn nhanh như xôi, bánh mì, trái cây, nước uống... để trên đường đi bộ lên chùa nếu đói bạn có thể ăn ngay.
- Chủ động bảo quản đồ đạc, tài sản vì lễ hội Chùa Thầy rất đông người tham dự khó tránh khỏi trường hợp bị kẻ xấu trộm cắp tài sản.
Lễ hội Chùa Thầy chính là điểm đến lý tưởng dành cho những du khách yêu thích du lịch tâm linh. Không chỉ được chứng kiến nét văn hóa độc đáo trong phần lễ và phần hội của lễ hội mà du khách còn được trải nghiệm leo núi, mãn nhãn với những cảnh đẹp tuyệt trần ở đây.